Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng được EVFTA, đạt được nhiều thành tựu lớn. Tuy vậy, việc Liên minh châu Âu (EU) liên tục ban hành quy định mới và điều chỉnh những quy định cũ đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ tác động rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam.
Xuất khẩu sang EU sẽ khó khăn hơn, khi sắp tới hàng loạt quy định mới của thị trường này được thực thi.
Xuất khẩu 200 tỷ USD sang EU trong 4 năm
Việt Nam đã xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 200 tỷ USD sang thị trường 27 nước thuộc EU trong 4 năm đầu thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), mức tăng trưởng 12-15%/năm.
Đà tăng tốc của hàng xuất khẩu vẫn duy trì, khi 10 tháng của năm 2024, xuất khẩu sang EU đạt 42,3 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ, đưa mức thặng dư thương mại với khu vực này đạt 28,5 tỷ USD.
EVFTA thực thi từ tháng 8/2020, được các doanh nghiệp, ngành hàng tận dụng hiệu quả. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, thị trường xuất khẩu thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) đánh giá, doanh nghiệp Việt đang tận dụng rất hiệu quả EVFTA, thể hiện qua tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác. Tỷ lệ tận dụng ưu đãi C/O mẫu EUR.1 ở mức cao, như thủy sản (89,2%), rau quả (88,3%), giày dép (gần 100%)…
Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 sang thị trường EU đạt 35,17%. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau khi GSP kết thúc vào ngày 31/12/2022, các doanh nghiệp chuyển hướng sang sử dụng C/O EUR.1 nhiều hơn. Kim ngạch xuất khẩu sử dụng C/O mẫu EUR.1 tăng 26% so với 2022 và đà tăng này vẫn tiếp nối trong năm 2024.
Đến nay, nhiều thị trường chủ chốt trong khối EU là bạn hàng lớn của Việt Nam, với lượng hàng nhập khẩu từ vài tỷ đến cả chục tỷ USD mỗi năm. Năm 2023, Hà Lan dẫn đầu với 10,25 tỷ USD hàng hóa nhập từ Việt Nam, tiếp theo là Đức (7,4 tỷ USD), Italia (4,5 tỷ USD), Tây Ban Nha (3,3 tỷ USD)…
Kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, EVFTA thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng từ 35 tỷ euro năm 2019, lên hơn 48 tỷ euro năm 2023. Sự tăng trưởng tập trung vào các ngành hàng điện tử, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản…
Lưu ý quy định mới
Tại Hội thảo chuyên đề “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường châu Âu”, do Bộ Công thương tổ chức mới đây, ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ lưu ý, EU liên tục ban hành quy định mới và điều chỉnh những quy định cũ. Điều này có tác động rất lớn tới xuất khẩu của Việt Nam.
Các ngành xuất khẩu chịu tác động lớn là sản phẩm nông nghiệp như ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ... Với nhóm công nghiệp có xi măng, sắt thép, phân bón, dệt may…
Cụ thể, với nhóm sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, đồ gỗ, ca cao… sang EU phải thực hiện trách nhiệm giải trình về sản phẩm không có nguồn gốc từ đất rừng bị phá gần đây, hoặc góp phần làm suy thoái rừng.
Ông Nguyễn Thành Hưng, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế lo ngại, những điều chỉnh, quy định mới đây của EU ban hành sẽ khiến doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Đơn cử, ngày 13/5/2024, EU ban hành quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024, tất cả doanh nghiệp có liên quan tới hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến Hệ thống Kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2). Các hãng vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường bộ và đường sắt cần cung cấp dữ liệu về hàng hóa được gửi đến hoặc qua EU trước khi hàng đến.
“Nếu các bên giao dịch chưa chuẩn bị sẵn sàng và không cung cấp dữ liệu theo yêu cầu của ICS2, hàng hóa sẽ bị dừng ở biên giới EU và không được thông quan”, ông Hưng cảnh báo.
Nếu không nắm vững các quy định này, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng như các container và lô hàng sẽ bị dừng tại biên giới với EU; hàng hóa sẽ không được thông quan…
Một trong những quy định cận kề nhất là Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) được ban hành nhằm giảm phát thải carbon trong sản xuất. Theo đó, sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu vào thị trường các nước thuộc EU dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất ở nước sở tại.
Để đảm bảo xuất khẩu bền vững sang EU, vừa tận dụng được lợi thế có FTA, ông Stuart Livesay, Đồng chủ tịch Ủy ban Tăng trưởng xanh (thuộc Eurocham) khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nhanh chóng cải thiện sản xuất để dần đạt mục tiêu phi carbon.